Việc tẩy trắng da bằng cách tắm trắng hay sử dụng thuốc tiêm đều làm thay đổi làn da tự nhiên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu cho sức khỏe; về lâu dài có thể dẫn đến ung thư da do da bị bào mòn lớp biểu bì bảo vệ, tia cực tím dễ xâm nhập vào da-nhất là dưới thời tiết nắng của mùa hè.
Khó thở, tụt huyết áp sau khi tiêm thuốc trắng daMới đây, các bác sỹ khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bưu điện đã tiếp nhận, cấp cứu cho một bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc trắng da.
Theo Bác sĩ Dương Vương Trung, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bưu Điện, thời điểm nhập viện, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị sốc phản vệ, tình trạng rất dễ chuyển nặng, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định tiêm và truyền Adrenalin liên tục theo đúng phác đồ xử trí sốc phản vệ. Nhờ được can thiệp, xử trí kịp thời sức khỏe của chị H, dần ổn định: Từ chỗ huyết áp tụt (70/40mmHg) đã ổn định ở mức 100/60mmHg; người bệnh đã hoàn toàn tỉnh táo, hết ban đỏ, hết khó thở, không còn rét run, huyết động ổn định.
Các bác sĩ khuyến cáo, chị em cần thận trọng khi quyết định làm đẹp-nhất là những can thiệp vào cơ thể, truyền thuốc vào cơ thể. Bởi nguy cơ dị ứng, sốc phản vệ có thể xảy ra với bất cứ ai, với bất cứ dị nguyên nào mà không lường trước được. Có người, chỉ một nốt ong đốt cũng sốc phản vệ, hay có người sốc phản vệ với B1, với vitamin C.
Bác sỹ Phạm Cao Kiêm, BV Da liễu Trung ương cảnh báo: Tắm trắng da liên tục sẽ làm mất đi lớp bảo vệ bên ngoài da. Ảnh: BSCC. |
Tiềm ẩn nguy cơ ung thư da!
TS-Bác sỹ Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương cho biết: Bản chất của tắm trắng là lột lớp tế bào sừng của da khiến da bóng hơn, mịn màng hơn nên người ta tưởng là trắng lên. Nhưng hậu quả là bạn sẽ mất đi lớp sừng bảo vệ da, da non sức chịu đựng sẽ kém đi dưới ánh nắng mặt trời. Ngay cả với viên uống trắng da, bản chất cũng là hạn chế sự phát triển của các sắc tố trên da phát triển. Trong khi đó đây là lớp giúp chống đỡ lại tia nắng mặt trời, tia UV để bảo vệ da.
Theo Bác sĩ Kiêm, đây là cách làm trắng phản khoa học. Bởi lẽ, khoảng 4 tuần lớp da ngoài mới già, nếu lột, tẩy liên tục sẽ khiến da sẽ trở nên rát, đỏ ứng, dễ bị kích ứng. Hơn nữa, da trắng hay đen là do cấu trúc tự nhiên của gien nên dùng thuốc không thể thay đổi được màu sắc của da. Việc tác động từ bên ngoài chỉ có tác dụng rất hạn chế. Tắm trắng thực chất là sử dụng mỹ phẩm để lột bỏ lớp da chết bên ngoài trong thời gian nhất định chứ không thể làm thay đổi số lượng sắc tố trong da.
Bên cạnh đó, khi tác động trên cả một vùng rộng, da bị tổn thương (bỏng nhẹ) do lột nhiều, sẽ rất dễ bị bội nhiễm. Lớp da non bị tẩy, lột liên tục càng trở nên yếu ớt, nhạy cảm với bức xạ tử ngoại vì nó chưa kịp sinh ra tế bào sắc tố nên nhanh chóng bị đen sạm. Nếu vẫn tiếp tục lột những lớp da non bị lão hóa nhanh chóng này, da sẽ trở nên mỏng, dễ kích ứng, khi đó da bị xỉn màu và nổi mụn nhiều… là điều tất yếu.
Trên thực tế, Viện Da liễu Quốc gia điều trị cho những bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm trên vùng da rộng, bị rộp như bỏng, chảy nước…, bác sỹ Kiêm nhấn mạnh. Ảnh: Bác sỹ Phạm Cao Kiêm, BV Da liễu Trung ương cảnh báo: Tắm trắng da liên tục sẽ làm mất đi lớp bảo vệ bên ngoài da (ảnh BSCC).
Bác sỹ Phạm Cao Kiêm chia sẻ, dưới góc độ bác sỹ da liễu ông không khuyến khích tắm trắng, dùng các loại thuốc trắng da-nhất là tắm trắng với tần suất liên tục. Chu kỳ phát triển của tế bào khoảng 30 ngày, phải đợi lớp da ngoài sừng hóa dần, chết đi, lớp trong dần phát triển. Nếu thực hiện việc tắm trắng liên tục càng tăng nguy cơ ung thư da. Để làm da sáng hơn, tốt nhất mọi người sử dụng phương pháp tắm dưỡng da đúng hơn là tắm trắng. Qua một quá trình, da được nuôi dưỡng tốt hơn, khỏe mạnh hơn sẽ có tác dụng chống lại tác nhân môi trường, sẽ đỡ đen hơn.
Tuy nhiên, để có được kết quả, cần phải có một quá trình. Bên cạnh đó, cần bảo vệ da đúng cách trước ánh nắng mặt trời như bôi kem chống nắng, dùng mũ rộng vành, quần áo che chắn...; uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh sẽ giúp da bóng khỏe.